Đặc sắc hương vị "Thắng cố" của ẩm thực Tây Bắc. Thắng cố là một món đặc sản của nền ẩm thực Tây Bắc, nếu bạn có dịp thưởng thức món ăn này thì khó có thể quên được hương vị đặc biệt của Thắng cố
Vào một ngày đông lạnh giá còn gì thú vị hơn là ngồi ăn một tô thắng cố nóng hổi, nhấm chén rượu ngô nóng, hàn huyên cùng bạn bè. Đây cũng là một nét văn hoá rất điển hình trong phong cách sống của người Mông.
Du khách đến Tây Bắc. Bên những dãy núi hùng vĩ, hồ nước trong vắt và bên những niềm vui giản dị đơn sơ bên bát thắng cố và rượu ngô nóng. Mùi thơm ấy, hương vị đậm đà quyến rũ ấy có lẽ sẽ không bao giờ quên được, nó sẽ đọng lại trong mỗi người khách khi đặt chân lên vùng đất đẹp và hiền hoà này.
Thoạt đầu, nhìn bát Thắng cố nghi ngút khói nhưng "lổn nhổn" bên trong là những thứ nội tạng, nhiều du khách cũng cảm thấy không thích thú lắm, đôi ba người vui tính còn đưa mắt tìm lọ berberin trong chiếc ba lô du lịch. Nhưng nếu một lần can đảm thưởng thức, xin khẳng định rằng chuyến du lịch Tây Bắc của bạn sẽ có thêm một dư vị cực kì đáng nhớ.
Bây giờ, thắng cố thường không được nấu với thịt ngựa nữa mà chủ yếu là thịt trâu, thịt bò, thịt dê, thịt heo, nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là thịt bò. Khi con vật được giết mổ, rửa sạch và để riêng từng bộ phận, lấy xưong chân và xương ống đem ninh đến khi nhừ thì cho thịt vào, miếng thịt chín tái thì cho lòng, gan, tim, dạ dày vào.
Nồi Thắng cố sôi lục bục nổi lên những tảng thịt, tảng mỡ màu vàng nhạt trông thật hấp dẫn. Nồi nước dùng được đầu bếp người Mông chăm sóc rất chu đáo, từng muỗng bọt được múc ra để nước xương thêm ngọt, thêm trong. Thêm vào đó là một vài loại thảo quả, quế, hồi và những thứ rau rừng xanh mát, tươi non nữa.
Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu, múc ra đến đó. Mỗi suất Thắng cố được để trong một chiếc bát cỡ đại, to tựa bát múc canh cho bốn người ăn của người xuôi. Thắng cố có vị béo, hơi ngậy ngậy, lại bùi bùi, nhưng cũng mang một chút mùi ngai ngái cùa nội tạng gia súc. Thưởng thức Thắng cố là sự thưởng thức của nhiều cung bậc cảm xúc. Bạn sẽ đi từ sự tò mò này đến tò mò khác, từ việc tại sao lại gọi là Thắng cố, nó được làm như thế nào và vị của nó ra sao đến những phân vân, đắn đo khi quyết định thưởng thức món ăn lạ lẫm này. Để rồi khi, bạn bị cuốn vào hương vị mê đắm của núi rừng bạt ngàn, của những người dân tộc chân thật, vô tư.
Người Mông thích dùng Thắng cố cùng với rượu ngô, cơm, xôi hoặc bánh Pà Pá - thứ bánh được làm từ bột gạo lên men. Giá của một bát Thắng cố cũng chỉ 20.000đ/bát.
Bây giờ, người Kinh, người Dao, người Tày cũng đều biết nấu Thắng cố, thậm chí nấu rất ngon. Nhưng dường như hương vị Thắng cố đặc biệt nhất, khiến thực khách nhớ lâu nhất vẫn là Thắng cố của người Mông, tộc người đã "khai sinh" ra món Thắng cố đầy độc đáo và thú vị, món ăn đã níu chân biết bao du khách gần xa ở cả trong và ngoài nước. Cái tên gọi Thắng cố cũng chỉ là cách gọi chệch đi của từ "nồi nước" mà tiếng Mông là "Thoảng cố".
ST.
0 nhận xét: