Một ngày về đồng bằng sông Cửu Long, được tận mắt chứng kiến bà con nơi đây chế biến các món ăn mang tính đặc trưng của vùng miền, trong đó có món canh chua cá ngát nấu bần ăn kèm với bông lục bình có lẽ sẽ không gì sánh bằng.
Lẩu cá ngát ăn với bông lục bình
Cách chế biến một nồi canh chua hoặc lẩu cá ngát nấu bần cũng giống như những nồi canh chua khác, chỉ có “bần” là thứ trái đặc trưng dùng thay cho chanh, me, xoài, giấm, cơm mẻ…
Muốn ăn mắm sặt bần chua.
Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm.
Bần tuy là một loại trái có cái tên dân dã quê mùa nhưng đã đi vào văn học dân gian và trở thành huyền thoại kể từ khi Nguyễn Ánh được người dân địa phương mời ăn mắm cá chốt với bần chua. Cảm thấy ngon miệng nên ông đã đặt cho loại trái nầy một cái tên mỹ miều là thủy liễu.
Trái bần
Trước khi nấu canh chua, người ta chọn vài ba trái bần chín cây, dùng chài nhỏ đăm cho vập nát rồi quậy đều, lượt lấy nước cốt. Đợi cho nồi nước thật sôi, cá vừa chín mới cho nước bần vào từ từ và nêm nếm đến khi vừa miệng ăn.
Bần có vị chua thanh, dìu dịu, khi phối ngẫu với các loài cá và gia vị sả, ớt một cách tinh tế sẽ tỏa ra mùi thơm quyến rũ. Chỉ cần húp một muỗng cũng cảm thấy ngất ngây, càng ăn càng háo hức.
Món canh chua của người đồng bằng ngon hay không là ở chỗ chăm chút tỉ mẫn và chuẩn bị đầy đủ từ nguyên liệu đến cách chế biến và phong cách trình bày sao cho hấp dẫn. Món này nhất định không thể thiếu các loại rau vườn như húng quế, húng lủi, ngò om, ngò gai, cà chua. Gần đây các bà nội trợ, các quán ăn đặc sản, nhất là những tay sành điệu ẩm thực đã sử dụng bông lục bình và ngó lục bình để tạo ra những món ăn nhớ đời, hấp dẫn nhất là bông lục bình chấm mắm kho hoặc ăn kèm với các món lẩu.
Bông lục bình dân dã mà ngon
Lục bình là một loài thủy thảo, còn có tên bèo tây, có rất nhiều trên các kênh rạch, sông ngòi. Xưa kia, lục bình chỉ là một loài thủy sinh lênh đênh trôi theo dòng nước nên ca dao có câu: Nước chảy liu riu. Lục bình trôi riu ríu. Anh thấy em nhỏ xíu anh thương. Thế nhưng, gần đây loài thủy sinh nầy đã trở nên đa dụng.
Lục bình không chỉ có ích cho nhà nông mà còn là một thứ rau sạch, thuộc nhóm thức ăn xanh có thể dùng ăn sống, luộc, xào, nấu canh... Theo y học cổ truyền, bông lục bình và cọng lục bình có nhiều chất xơ, chứa nhiều vitamin C, tính mát, vị lạt, hoa luộc hoặc ăn sống đều ngon.
Cá ngát là loại cá thịt ngon, ngọt, hơi dai, nhiều đạm, ít chất béo. Món canh chua cá ngát tuyệt nhất là trứng cá, một loại trứng to bằng hạt tiêu, kết lại thành chùm, nấu chín có mùi thơm ngậy. Các tay sành điệu coi trứng cá ngát là món “độc nhất vô nhị” trong ẩm thực dân gian. Vào mùa sinh sản, bình quân mỗi con cá mẹ mang trong mình một bầu trứng thật to, nặng 200-500g.
Cá Ngát sông Hậu.
Lẩu cá ngát là món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng, hấp dẫn nhất là chan bún ăn lúc còn bốc khói. Nếu để lửa liu riu, giữ ầm nối canh cho tới tàn tiệc, người ăn càng cảm thấy hân hoan thích thú, húp tới muỗng nước cuối cùng vẫn thấy còn ngon. Chính mùi thơm ngon của cá hòa quyện cùng với vị chua thanh của bần và mùi vị đặc trưng của bông lục bình đã giúp người ăn đủ xuýt xoa, đầu óc tỉnh táo ngay.
Gắp một chùm bông lục bình, nhúng vào nước lẫu chua chua, mằn mặn, ngòn ngọt rồi đưa vào miệng nhai chầm chậm để lắng nghe cái hương vị nguyên sơ và mộc mạc quê nhà. Mềm mại, giòn, thanh tao, ăn vào cảm thấy ngon ngon, bùi bùi mà còn tăng thêm sảng khoái.
ST.
0 nhận xét: