Nậm pịa là một món ăn độc đáo của người Thái ở Sơn La. Món ăn này có nguyên liệu chính là nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan, phèo phổi thập cẩm phế lù đem ninh nhừ. Ngoài ra còn một thành phần rất đặc biệt là phần dịch nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già được gọi là pịa. Cửa hàng bán món nậm pịa độc đáo này tại Sơn La nằm trong một ngõ nhỏ cạnh khu chợ của nông trường Mộc Châu.
Trong tiếng Thái, , “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non của bò, “nậm” có nghĩa là canh. Món có tên đơn giản là nậm pịa, tùy theo cách hiểu của mỗi người. Nậm pịa chỉ có ở vùng núi Tây Bắc từ Mộc Châu đến Sơn La, món ăn truyền thống này đã có từ rất lâu đời và được đồng bào dân tộc Thái rất yêu thích.
Nếu người miền xuôi chủ yếu lấy phèo lợn để luộc lên ăn như món thời trân thượng hạng, thì nậm pịa lại đòi hỏi công phu hơn. Khi mổ bò, người Thái rất cẩn trọng trong việc lấy phần pịa. Pịa được lấy ra ngay khi bộ lòng bò mới được mang ra khỏi bụng bò, và được bảo quan cẩn thận tránh ruồi nhặng.Phần ruột non ngay sau khi được lấy ra phải dùng lạt thắt chặt hai đầu ngăn cách với ruột già và dạ dày, để chất nhũ tương trong ruột non không pha tạp.
Sau khi lấy một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, người ta ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò vào pịa. Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén, tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả các gia vị được băm nhỏ rồi đun sôi lên. Nồi pịa đặt trên bếp lửa đun đến khi nồi pịa sánh, sền sệt lại là được. Món nậm pịa được người Thái ăn kèm với rau chuối và bạc hà.
Món nậm pịa được bưng ra, màu bên ngoài đặc một sắc nâu sền sệt không bắt mắt, hương vị cũng khá khó ngửi. Ăn thử miếng đầu tiên thấy vị đắng. Ăn miếng thứ hai, thứ ba thấy thơm mùi mắc khén, vị ngọt của thịt, xương và vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa ăn kèm với thịt luộc, rau bạc hà, rau chuối và chút rượu nồng là nhất vị.
ST.
0 nhận xét: