Vào mùa lễ hội, người Ba Na lại được “khoe” những món ăn đặc sản. Nơi mà núi, rừng, sông, suối đã cung cấp cho cư dân Kon Tum biết bao nguồn nguyên liệu phong phú, quý giá, đã góp phần hình thành nên một nền ẩm thực đa dạng, dân dã mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa.
Cá Niêng nướng
Đây là một trong những món ăn khá phổ biến của đồng bào Ba Na. Du khách đến Kon Tum thường thích thưởng thức món cá Niêng nướng. Cá Niêng có nhiều ở sông Đăk Bla và một số sông suối vùng Kon Plông, Kon Prẫy. Đó là những con cá thân dẹt, thuôn dài, màu trắng nhìn gần giống cá diếc nhưng dài, thon và chắc hơn. Cá Niêng thường chỉ ăn rêu, lá cây và các động vật giáp xác, nên chúng rất sạch, cá mổ ra hầu như không có mùi tanh
Cá bắt về đem rửa sạch mổ bỏ ruột (nhiều người lại thích để cả ruột nướng khi ăn có vị đăng đắng hấp dẫn riêng). Với con lớn, trước khi nướng, dùng một que nhỏ dài xiên từ miệng cá qua bụng, xuống đuôi cá để trở lật và khi nướng cá không bị cong. Với cá nhỏ, người ta dùng cặp tre nhỏ kẹp 5 - 7 con sau đó nướng trên than hồng. Trong khi nướng lật đều các mặt để cá chín đều. Cá nướng trên than hồng chuyển dần từ màu trắng sang vàng, dậy mùi thơm hấp dẫn.
Món cá suối nướng được ăn kèm với muối ớt lá é, một thứ gia vị khá quen thuộc của người Ba Na. Vào những ngày tiết trời se lạnh, cùng quây quần bên nhau thưởng thức món cá suối nướng, nhắp một hơi rượu cần, khách cảm nhận hết được cái ấm cúng, nồng nàn của đất và người nơi đây. Vị ngọt thơm của cá suối quyện với vị cay của ớt, cái nồng nàn, quyến rũ của lá é. Tất cả những hương vị ấy kết hợp với nhau một cách hài hòa, khiến người ăn nhớ mãi.
Món nhộng chuồn chuồn
Để có nguyên liệu chế biến món ăn này, đồng bào vào rừng tìm những cây măng tre hoặc măng lồ ô bị sâu, bóc những lớp vỏ bên ngoài của cây măng để tìm bắt nhộng chuồn chuồn. Loài nhộng này có màu trắng đục, khá to. Để có đủ lượng nhộng cho một lần chế biến, nhiều khi đồng bào phải vào rừng tìm kiếm tới vài ba ngày.
Nhộng bắt về được bỏ vào ống lồ ô, không nêm thêm bất cứ gia vị nào sau đó nút ống lồ ô lại bằng lá cây rồi nướng trên than lửa. Trong khi nướng để ống nằm nghiêng và xoay tròn thân ống để nhộng chín đều. Nướng ống lồ ô khoảng 20 - 30 phút là được. Khi nhộng chín bày ra đĩa có lót sẵn lá chuối tươi. Màu trắng của nhộng, kết hợp với màu tươi xanh của lá chuối làm tăng thêm độ hấp dẫn và ngon mắt cho món ăn.
Đối với những ai chưa từng thưởng thức món này thoạt nhìn có vẻ hơi nghi ngại, nhưng những ai đã từng ăn qua sẽ khó mà quên được hương vị béo ngậy, ngọt thanh đọng lại sau khi ăn. Nhấm một miếng thôi là đã cảm nhận được độ mềm, mát tan nơi đầu lưỡi. Nhộng chuồn chuồn thơm ngon, nhiều đạm, rất bổ dưỡng. Món này ăn nóng hay nguội đều ngon.
Món Gỏi kiến bóp chua
Món Gỏi kiến được dùng nhiều trong các lễ hội như mừng cơm mới (Xa ba nao), lễ Cầu an (Pu Hơ Drih), lễ Mừng nhà rông mới (Et h’took nao). Đây là loài kiến khá to có màu vàng, nhộng màu trắng rất thơm ngon và bổ dưỡng. Đặc trưng của loại kiến này là vị chua, mùi hơi ngai ngái. Kiến này có tất cả các mùa trong năm, nhưng ngon nhất là vào tháng 1 đến tháng 4. Trong khoảng thời gian này kiến đẻ trứng nên có rất nhiều nhộng. Đồng bào vào rừng bẻ cả tổ kiến bỏ vào gùi hoặc rổ mang về. Khi về rũ kiến ra chậu nước, nhộng bỏ riêng ra rổ. Gia vị để chế biến món ăn này có riềng rửa sạch thái lát mỏng, rồi băm hoặc giã nhuyễn.
Kiến và nhộng được đem hấp khoảng 10 phút cho chín. Xúc kiến ra trộn chung với riềng đã giã nhuyễn, sau đó trộn chung với nhộng, nêm muối vừa ăn là có được món gỏi kiến thơm, ngon mang đậm hương vị của núi rừng.
Món kiến bóp chua khi ăn sẽ có vị chua chua của kiến, vị béo ngậy của nhộng và vị cay cay, thơm nồng của riềng. Đồng bào Ba Na thường dùng món này trong những ngày lễ hội và tiếp khách.
Hầu hết các món ăn của cư dân Kon Tum chế biến không cầu kỳ, gia vị khá phong phú như riềng, sả, ớt, tiêu rừng, lá é... Cách làm chín thức ăn thường là hấp, nấu hoặc nướng. Trong đó hình thức sử dụng ống lồ ô để làm chín thức ăn là phổ biến nhất.
ST.
0 nhận xét: