Ghé Trà Vinh thưởng thức đặc sản

Unknown         No comments

Ngoài Poọc cà nhạy, một món dân dã với cái tên theo tiếng Khmer rất độc đáo thì mỗi khi về Trà Vinh các bạn đừng bỏ lỡ những món ăn độc đáo nơi đây, nó là sự kết hợp văn hóa ẩm thực của người Kinh - Khmer – Hoa. 

1. Mắm bò hóc đồng bào Khmer

Mắm bò hóc được làm từ nhiều loại cá nhưng phổ biến nhất là cá lóc, có thể ăn sống hoặc nấu theo phương pháp truyền thống của người Khmer.
Sau khi làm sạch, cá được ngâm nước một đêm cho trương sình rồi mới bỏ đầu, ruột và rửa lại nước muối. Khi xếp vào lọ, thông thường cá được ướp theo công thức một cá, một muối và nửa bát cơm nguội rồi để trong 3 tháng là dùng được.

Trong nhà người Khmer thường dự trữ vài ba lọ mắm cá để ăn và để đãi khách quý tới chơi. Trong món ăn truyền thống Khmer không thể thiếu hương vị đặc trưng của món mắm này. Ăn đơn giản nhất có thể kể tới bát mắm bò hóc thêm đường, tỏi, chanh, ớt ăn cùng cơm trắng và rau củ có sẵn trong vườn như đọt xoài non, khế xanh, chuối chát, đọt cóc, cà rừng…

2. Bún nước lèo

Đây là món bún thịnh hành tại nhiều địa phương phía Nam nhưng nổi tiếng nhất vẫn ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Bún nước lèo là đặc sản của người Khmer với “linh hồn” không thể thiếu là mắm cá hóc. Những con mắm cá được rã đều trong nước, thêm gia vị sả ớt đập dập làm nổi hương vị.

Một số nơi còn dùng cả nước dừa xiêm hoặc cốt dừa vào nồi nước dùng thay thế vị đường. Nước lèo còn cần độ trong và ngọt tự nhiên của tôm thẻ ninh, xương ống hầm nhừ. Bát bún với cá lóc, thịt lợn quay thoảng hương vị đậm của mắm rất đặc trưng khiến ăn một lần nhớ mãi.


3. Dừa sáp

Vùng đất miền Tây trù phú được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật quý. Trong đó, quả dừa sáp chỉ có khu vực Cầu Kè Trà Vinh mới có. Cùng một giống cây nhưng trồng ở đất khác cũng không cho quả sáp theo mong muốn.

Trái dừa sáp với lớp cơm dừa trắng xốp mềm như sáp, tỏa hương thơm dịu ngậy. Đặc biệt, nước dừa sền sệt và đặc như keo nến. Thông thường một cây dừa sáp chỉ cho ra khoảng 25% quả sáp nên loại quả này có thể đắt hơn hàng chục lần dừa thường.
Thưởng thức dừa sáp phải có cách riêng. Cơm dừa sau khi nạo xong cho vào máy xay qua, thêm chút sữa, đá bào đều là có được món sinh tố đúng điệu, giải mọi cơn khát mùa hè nóng nực.

4. Bánh tét Trà Cuôn

Món ăn truyền thống của đất Trà Vinh được nhiều người ưa thích vào dịp lễ tết. Được làm từ những hạt nếp dẻo có trộn cùng nước lá bồ ngót tạo màu xanh bắt mắt, bánh có nhân thịt mỡ, đậu xanh và trứng vịt muối đỏ.

Sau khi luộc 8-9 tiếng sẽ cho ra lò mẻ bánh vừa chín tới, dẻo thơm mùi nếp. Có dịp đến Trà Vinh, du khách thường ghé mua thêm đòn bánh tét làm quà biếu người thân.


5. Chù ụ rang me

Chù ụ là loại sinh vật có tên nghe lạ kỳ, sinh sống ở vùng biển bãi bồi thuộc biển Ba Động, Trà Vinh. Dáng dấp của chù ụ nom khá giống cua đồng. Món chù ụ rang me chua ngọt từ lâu đã hấp dẫn du khách tới Ba Động, nơi có nhiều động cát đẹp.

Chù ụ sau khi làm sạch sẽ đảo qua dầu tỏi dậy mùi thơm. Nước cốt me hòa sẵn nêm nếm vừa miệng được đảo cùng. Chỉ sau chừng 15 phút, thực khách sẽ có được một món hải sản tươi ngon với hương thơm ngào ngạt. Thịt chù ụ chắc ngấm đều nước cốt, rất thích hợp với dân nhậu vừa ngắm biển vừa nhâm nhi.

6. Cháo ám

Để có nồi cháo ám ngon, người nấu cần khá nhiều công sức. Cá lóc phải tươi, mập đem luộc và gỡ từng miếng, bỏ xương rồi xào với hành thơm nức mũi. Trứng cá lóc đánh nhuyễn rồi mới cho vào nồi cháo nấu từ nước luộc cá. Trong món cháo ám còn có cả hành khô, tôm khô, mực khô nướng.

Cháo ám không thể thiếu sự kết hợp giữa mắm nêm ngon đã được pha, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi, cho thêm tiêu xay, đậu phộng rang giã nhỏ. Đặc biệt, các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn ở trên cũng là phụ liệu cần thiết cho món ăn.
Mùi thơm quyến rũ của tiêu, hành, đậu phộng với cái ngọt thanh của nước, mềm béo trong cá, trứng cá, bùi bùi của mực và tôm kết hợp vị đặm nồng của mắm nêm pha và sự khác biệt khi ăn cùng rau thơm, rau sống thái nhỏ biến cháo ám thành một trong những loại cháo ngon nhất, khác biệt nhất nên thử một lần trong đời.

7. Bánh canh Bến Có

Lần đầu ăn đặc sản này nhiều người sẽ thắc mắc “sao cho nhiều thịt thế”. Đây chính là điểm đặc biệt của bánh canh Bến Có, tỷ lệ thịt và bánh phải gần bằng nhau. Nhưng nó không khiến người ăn bị ngán bởi ngoài thịt heo, còn có cật, gan, phèo, tim, bao tử, lưỡi, móng, tai heo… Mỗi loại đều mang vị ngon riêng và tạo sự hòa hợp chung trong món ăn.

Tô bánh canh Bến Có không quá cầu kỳ nhưng nước dùng ninh từ thịt, xương heo và đảm bảo độ trong nên nhìn rõ từng sợi bánh canh trắng nõn, hành hò xanh mướt, tiêu hạt nhuyễn rắc phía trên với vài lát ớt tô điểm cho món ăn đẹp giản dị.
Gắp bánh canh, húp miếng nước dùng là nghe bụng dạ xốn xang. Chọn lát thịt mỏng chấm vào chén mắm dằm ớt rồi từ từ tận hưởng vị mắm cá nguyên chất hòa với thịt mềm lại càng đê mê hơn.

8. Bún suông

Bún suông đặc biệt nhờ chả tôm thơm ngon. Làm từ tôm tươi ướp mắm, xay nhuyễn cùng hạt tiêu, chả tôm không được nặn theo hình vuông, chữ nhật hay tròn mà được làm thành từng “suông”. Suông nhìn qua giống như con đuông, có thể để không thả vào nồi nước dùng đang sôi hoặc chiên với dầu ăn trước khi dọn ra tô.

Nước lèo của món bún này cũng khác biệt, không trong mà có màu nâu của me và tương hạt. Bún suông nhìn vừa đẹp mắt, ăn lại ngon chẳng kém bất cứ loại bún ở địa phương nào. Vị nước dùng đậm đà, chua chua ngọt ngọt dậy mùi tương lan trên đầu lưỡi, vướng vít quanh khứu giác. Khi ấy, cắn thêm miếng suông ngọt tôm và thơm béo sẽ nhận ra ngũ vị đã được đánh thức như thế nào chỉ vì một món ăn ngon.

ST.
Published by Unknown

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Si vous n'avez pas eu la chance de prendre dans tous.
Follow us Google+.

0 nhận xét:

Distributed By My Blogger Themes | Designed By Bloggertheme9