Hà Nội xưa nói đến Cỗ là nói đến bữa ăn đặc biệt có tính chất long trọng, thân tình được tổ chức trong gia đình như: Cỗ cưới, cỗ nhà đám, giỗ chạp khao vọng, ăn mừng, chúc thọ cha mẹ, Tết v.v…
Yêu cầu của một bữa cỗ lý tưởng và tưởng tượng nằm trong bia miệng:
Sơn Tây đập đá nung vôi
Bắc Ninh thì phải thổi xôi nấu chè
Nam Định hầu điếu, hầu xe
Lỗ Khê, Hà Nội cho nghe ca trù…
Văn hoá trong cách làm Cỗ, mời Cỗ và ăn Cỗ của người Hà Nội xưa nói riêng và miền Bắc nói chung mang phong cách rất đặc biệt.
Sau khi nhà chủ đã có lời, người ta bảo nhau ngồi vào cho đủ cỗ. Mỗi mâm có năm hoặc sáu người, ít nhất có hai người hoặc hai cặp thân nhau. Cũng có thể ba cặp đều thân nhau thành một cỗ. Chủ nhà tế nhị mời những người ăn ý hoặc cùng lứa tuổi ngồi vào với nhau, những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào với nhau, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với đàn ông. Đàn bà vào cỗ với đàn bà…
Cỗ là bữa ăn đặc biệt có tính chất long trọng, thân tình được tổ chức trong gia đình như: Cỗ cưới, cỗ nhà đám, giỗ chạp khao vọng, ăn mừng, chúc thọ cha mẹ, Tết v.v… Riêng cỗ mừng thọ cha mẹ là do con cái đóng góp các con trai làm những món ninh, giò, mọc, nem… Các con dâu và con gái làm các món bánh rồi quây quần ăn cỗ với nhau. Ở những gia đình khá giả hoặc thành phố, cỗ khai trừ hẳn tất cả các món ăn mà thường ngày dùng như dưa, cà, cá kho, rau muống…
Có nhiều loại cỗ: Cỗ tứ quý gồm 5 thứ hải sản chế biến thành mâm cỗ, cỗ cưới có xôi gấc đỏ, cỗ nhà đám có xôi trắng, cỗ mặn, cỗ chay… Có mâm cỗ một tầng, hai tầng hoặc năm tầng như ở 49 làng quan họ xưa.
Trước đây, ở nông thôn cũng như thành thị đều có những phường nấu cỗ thuê do các nghệ nhân sành, thạo, khéo tay đảm nhiệm. Họ thường có kỹ thuật cao và cha truyền con nối, có được những món ăn truyền thống độc đáo. Ông Kiếm ở Cổ Nhuế biểu diễn giết gà một mình chỉ cần một chiếc tăm tre vót nhọn. Ông Khán Trúc ở Yên Thái giết một con lợn một mình, chỉ cần một vò nước nóng chừng 3 lít. Trong phường có ông trùm là người giỏi nhất phường rất hãnh diện về tay nghề của mình và được đi thi thố tài năng ở nhiều nơi. Chủ yếu là để lấy tiếng chứ không vụ vật chất. Phường trưởng (trùm) góp ý với nhà chủ, ra thực đơn rồi chia nhau mỗi người làm một hoặc nhiều món sở trường. Mâm cỗ một tầng về cơ bản thường gồm 5 bát: Bóng, miến, măng, mọc, chim, súp, gà tần và 5 đĩa: Giò, chả, gà hoặc vịt luộc, nộm, sào. Có khi gia giảm bằng các món rán, nướng, quay hoặc nem Sài Gòn. Xôi, chè được xếp phía ngoài mâm để ăn sau cùng… Bát nước chấm có hồ tiêu, chanh, ớt hoặc cà cuống ở giữa mâm.
Khách đặc biệt hoặc khách danh dự được bố trí ngồi mâm giữa ở gian giữa. Mỗi mâm có một người trong gia đình hoặc chủ ngồi ghé cạnh nhưng chỉ gắp qua loa mà chủ yếu là để tiếp khách, gọi thêm món, lấy thêm rượu, nước chấm, nước suýt, rau thơm, gia vị. Có khi người nhà ngồi ghé đó có mặt ở mâm này rồi lại sang mâm khác. Khi ăn, khách nói chuyện rôm rả vui vẻ thực sự. Có khi người mâm này nói chuyện với người ở mâm bên cạnh. Mỗi người một phong cách ăn uống, một phong cách nói năng. Tất thảy đều được tôn trọng, thật thoải mái, không phải e dè, giữ kẽ gì. Có khi rượu ngà ngà, ông nọ kháy ông kia một chén hoặc tỏ thái độ về một sự việc gì đó. Đến mức găng thì mọi người nói chữa cho nhau. Nếu có cuộc tranh cãi chăng nữa, họ cũng dễ tha thứ cho nhau mà đổ lỗi cho rượu ngon đâm ra quá chén. Những lúc này, mâm cỗ Việt Nam sẽ thật đầy đủ chất đời, vừa thiêng liêng vừa dân dã.
Người uống được rượu thích những món ăn có kèm xương xẩu hoặc như đầu gà, cánh gà hoặc món nộm có đủ chua, ngọt, cay, bùi giòn, mềm. Rau thơm thường gồm húng láng thơm ngát, canh giới thơm thanh cao hoặc rau ngổ có mùi thơm sắc gọn mà dữ dội. Cỗ ở miền Nam có thêm các món gỏi, chả nướng ăn với rau xanh, khế, chuối xanh, giá đỗ, lạc rang, bánh đa…
Mâm cỗ Việt Nam thơm ngon, có truyền thống lâu đời không cầu kỳ nhưng có đủ mùi vị, màu sắc. Trên bát bóng có những lát bóng trắng ngọc, điểm mấy lát trứng tráng vàng ruộm, vài con tôm đỏ, vài quả đậu Hà Lan xanh, nấm hương màu nâu. Trên bát miến có gan gà màu vàng đậm, tiết màu đỏ huyết dụ, thịt nạc màu trắng đục, mộc nhĩ đen màu. Ở giữa có một dúm rau màu xanh rờn. Khoanh giò thái ra có màu trắng ngon lành, hành củ trắng ngần, ớt đỏ hoặc vàng sánh trang điểm cho bát nước chấm vàng nâu…
Mâm cỗ là một bức tranh. Ăn cỗ xong, khách còn ăn xôi, chè hoa cau hoặc chè cốm, chè đỗ đãi rồi còn ra bàn bên cạnh uống nước trà, hút thuốc lá. Bàn bên, các bà ăn trầu. Cũng có lúc yên ắng hơn, mọi người thưởng thức tiếng hát của cô đào, tiếng đàn đáy của kép, tiếng trống chầu của người đánh trống biểu diễn các làn điệu ca trù. Họ là những nghệ nhân thần tình với gia chủ hoặc với vài ông khách. Họ có cái thú đi biểu diễn cho bạn bè, làng xóm nghe. Thế nào cũng phải có bài: "Hồng hồng, tuyết tuyết".
Lúc ra về, chủ và khách chắp tay trên ngực, nói với nhau vài câu quý hoá rồi cùng vái nhau vài cái. Cái kiểu chào này thật trang trọng, thân mật, giản dị có đượm mùi Phật giáo. Một số khách vừa thân tình vừa có họ với chủ nhà ở lùi lại một chút. Họ nhận phần mang về gồm một nắm hay một mớ xôi có thêm miếng thịt hoặc quả chuối. Đã có câu: "Có xôi có oản mới nên phần".
Cỗ Việt Nam là cả một công trình. Nó không phải là tiệc cũng không phải là liên hoan. Nó có cái độc đáo của nó. Có điều, ngày nay các phường nấu cỗ thuê không tồn tại nữa. Kho tàng nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam cũng mất đi nhiều điều quý báu. Phải chăng, các nhà làm bếp bây giờ cần phải đi tìm lại kỹ thuật làm cỗ của người xưa để bữa cỗ Việt Nam vừa dân tộc vừa khoa học và xứng đáng có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Âm thực cũng là điều thiêng liêng, là nghệ thuật, là văn hoá.
ST.
0 nhận xét: