Đến thăm Đồng Tháp Mười bạn không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên với những cánh rừng tràm, hồ sen bạt ngàn, vườn cò sân chim hoang sơ của miệt vườn đặc sắc, mà còn có cơ hội được thử những món ngon đặc sắc đầy hương vị đồng quê.



Lẩu cá linh bông điên điển

Mùa nước nổi của Đồng Tháp bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, thời điểm này có rất nhiều cá linh, đặc biệt, thời gian đầu mùa chính là thời điểm cá ngon nhất của năm. Bởi cá chưa quá lớn nên xương chưa cứng, bụng cá lại có mỡ nên ăn rất béo. Loại cá này được xem là đặc sản mùa nước nổi và thời gian này cũng là mùa hoa điên điển nở vàng khắp các mé sông. Hoa cho hương vị rất đặc biệt, có độ giòn, thơm, bùi, béo lại mang màu sắc “hương đồng cỏ nội”. Nhắc đến cá linh thì sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến món lẩu cá linh bông điên điển.

Tuy là một món ăn bình dị, nhưng đây là đặc sản nổi tiếng, một niềm tự hào của người dân miền Tây mỗi mùa nước nổi. Ăn kèm với món này là bún tươi hoặc cơm trắng và dĩ nhiên không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất ăn kèm. Món lẩu cá linh hoa điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước lẩu, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.

Hủ tiếu Sa Đéc

Sợi hủ tiếu phải mềm, không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Nước lèo hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu với xương heo, phải thăm chừng độ lửa cẩn thận, hớt bọt thật kĩ thì nước lèo mới trong và thơm. Không chỉ có thịt heo, đầu bếp còn cho vào tô hủ tiếu thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan, phèo… được làm cẩn thận, nóng hổi, ngon lành. Phía trên cùng là hành lá xắt nhuyễn với mấy cọng ngò xanh non. Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò cháo quẩy, rau sống gồm giá, hẹ, cần tây và rau xà lách. Ngoài ra, còn có xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, thực khách trộn tất cả lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của hủ tiếu Sa Đéc.

Ếch đồng

Đến mùa mưa dầm người dân Đồng Tháp thường đi soi ếch, thịt ếch thơm ngon, dai và giàu dinh dưỡng. Nếu mưa càng lớn càng dai dẳng thì sẽ càng bắt được nhiều ếch. Những chú ếch to bè, xỏ thành xâu với cặp đùi tròn mọng, căng múp nhìn qua đã thấy rất ngon. Có rất nhiều cách chế biến món ếch, như: Ếch chiên bơ vừa thơm vừa béo và giòn, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng sả ớt hay nấu cháo ếch bốc khói thơm phức đều ngon tuyệt.


Chuột quay lu Cao Lãnh

Khi đến Đồng Tháp mùa nước nổi, bạn phải một lần ghé qua miền đất Cao Lãnh để thưởng thức món thịt chuột đồng  Chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món khác nhau: Chuột xào lăn, xé phay, chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng đặc biệt nhất phải nói đến là món chuột quay lu.

Chuột quay lu phải là những chú chuột đồng đã ăn no lúa chín, béo múp míp, vì thế chuột sau mùa gặt béo múp là ngon nhất. Chuột được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó cho từng con vào lu, vừa quay vừa trở, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng. Khi chín, món ăn hấp dẫn được bày ra với muối tiêu chanh, rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo. Khi nếm miếng thịt chuột đồng, da giòn tan, thịt thơm và mềm thật là ngon không kém gì thịt nai rừng, nên người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê”.

Bông súng mắm kho

Ở vùng quê Đồng Tháp, không ai lại không biết đến bông súng chấm mắm kho, món ăn dân dã nhưng hương vị đậm đà khó quên mà không phải nơi nào cũng có được. Mắm kho ngon nhất là chấm với bông súng ở đìa, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, chỉ có loại bông súng trắng, cọng nhỏ, ăn mới mềm, ngọt… Mùa nước về bông súng càng lên nhanh trắng đồng. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, bông súng bỏ vào chén, chan nước mắm kho lên trên. Ăn mắm kho, bạn nhớ ngắt bông súng thành từng đoạn ngắn, bóp nhẹ để mắm kho thấm vào khi chấm, cộng với mùi thơm của các loại rau sống sẽ cho một cảm giác không thể nào quên. Mắm kho thơm ngon hòa quyện vị cay của ớt, the the của sả, ngọt của tép, bông súng giòn giòn tạo thành món ăn tuyệt vời mang đầy màu sắc đồng nội.

Tắc kè xào lăn

Đây là món ăn khá phổ biến của người dân Đồng Tháp. Sau khi bắt tắc kè, người ta chặt bỏ đầu, nhúng vào nước sôi, cạo thật sạch lớp vẩy. Trước khi ướp, chặt tắc kè ra từng mếng, ướp gia vị, bắc chảo phi mỡ tỏi, rồi đổ thịt tắc kè vào xào cho săn lại; sau đó vắt nước cốt dừa vào xâm xấp, chụm lửa liu riu để thịt hoà quyện với gia vị và nước cốt, nhưng đừng để lửa nóng quá sẽ mất ngon. Thịt tắc kè thơm ngon lạ lùng, đặc biệt là phần đuôi béo ngậy, nơi tập trung nhiều mỡ và xương sụn, đây là món rất tốt để bồi bổ sức khỏe.

Lẩu riêu cua đồng

Riêu cua là món ngon dễ ăn, dễ “nghiền”, đặc biệt là món lẩu riêu cua đồng nóng hổi rất thích hợp trong những ngày trời se lạnh, cả nhà cùng quây quần, xuýt xoa bên nồi lẩu chua chua thanh thanh. Làm lẩu riêu không khó, giống với cách nấu riêu thông thường, việc chuẩn bị nguyên liệu là khâu công phu và tốn nhiều thời gian nhất. Bạn phải chọn được những con cua đồng béo, đều nhau, kèm theo các nguyên liệu cần thiết như tóp mỡ, cà chua, giấm bỗng, nước mắm, mắm tôm, bột nêm, mì chính, màu gấc, đậu rán giòn, cùng các loại rau ăn kèm lẩu như rau rút, hoa chuối, thân chuối, rau muống chẻ, rau xà lách, bún và một nồi nước dùng.


Cơm được nấu bằng gạo huyết rồng với hạt sen hấp chín và muối mè, gói trong lá sen. Ấn mũi dao rạch ba đường vuông góc, nhẹ nhàng mở tấm lá sen sẽ thấy muối mè và hạt sen nổi bật  trên nền cơm đỏ sậm. Cơm ngon, càng nhai càng có vị ngọt và bùi, lại càng bùi béo nhờ tinh chất hạt sen và mè tan hòa trong miệng. Cơm rang nóng cùng một chút thịt, lạp xường, hạt sen, trứng… được gói vào lá sen khi mới trút từ chảo xuống. Hương thơm của cơm rang hòa trộn cùng hương sen phảng phất khiến món ăn trở thành kỷ niệm khó quên, và làm thực khách như cảm nhận được cả mùa thu qua hương thơm của lá sen, của món ăn hết sức tuyệt vời.


ST. 

Mũi Cà Mau không chỉ là vùng đất cuối cùng trên bản đồ Việt Nam, mà còn là xứ sở của rất nhiều món ngon làm say lòng thực khách bốn phương. Khi du lịch đến Cà Mau, ngoài việc thưởng ngoạn những cảnh đẹp nơi đây, chắc hẳn bạn sẽ phải dành nhiều thời gian mới có thể khám phá được hết ẩm thực Cà Mau.


Lẩu mắm U Minh

Lẩu mắm là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người dân Nam Bộ mà nguyên liệu chính để làm nên nồi lẩu mắm ngon đó là các loại mắm, với rất nhiều nhiều loại cá và rau đồng chỉ có ở vùng đất U Minh.

Nguyên liệu chính của món lẩu mắm U Minh là mắm sặc (loại ngon). Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích. Lẩu mắm vùng U Minh Cà Mau được ăn chung với các loại rau có ở miền Tây như bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi. Riêng đọt choại là một loại rau rừng chỉ có nhiều nhất ở rừng tràm U Minh.


Để cho nồi lẩu mắm được ngon, người ăn có thể cho thêm đậu bắp, nấm rơm khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi như cá rô, các sặc rằn, cá dầy, cá lóc hoặc lươn. Dần dần lẩu mắm U Minh đã trở thành món ăn ngon nức tiếng của vùng đất Cà Mau.

Ba khía Rạch Gốc

Ngoài các cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ thì chắc chắn những ai đến Rạch Gốc cũng sẽ rất thích thú với món ba khía mà từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương này. Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa đến nay vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hằng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn quả mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các vùng khác.


Ba khía được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ. Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách bốn phương.

Vọp nướng chấm muối tiêu


Mặc dù Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, vì nó trở thành món ăn quý hiếm và luôn mang hương vị rất đặc biệt khiến những thực khách nhớ mãi. Để chế biến được ngon thì phải lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước.

Ướp gia vị gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều và bắt đầu nướng vọp, có thể nướng nhiều con cùng một lúc. Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt, nếu để lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai, vị rất nhạt.

Gỏi nhộng ong

Về Cà Mau mà ở khu vực U Minh thì chắc chắn bạn sẽ nghe đến món gỏi nhộng ong ngon được xếp vào hạng “đệ nhất”. Nhộng ong U Minh có rất nhiều, vị bùi, béo ngậy, ngon không thể tả. Người dân sau khi gác kèo lấy mật thường mang theo một hai phần sáp đầy nhộng ong về. Lấy tổ nhộng ong nhúng vào nước sôi, lọc lấy nhộng ong sạch, là có thể chế biến hàng chục món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào, nhộng ong trộn gỏi… Trong đó, món nhộng ong trộn gỏi được nhiều người ưa thích vì có thể giữ được trọn vẹn vị ngon bùi của nhộng ong và kết hợp được với nhiều vị thơm của các loại rau.

Chả trứng mực

"Câu mực tuy cực mà vui/Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài", trứng mực có sức quyến rũ các ngư phủ đến nỗi đã trở thành ca dao để trẻ con vùng U Minh thuộc lòng. Món này có nguồn gốc xuất xứ từ ai thì chưa rõ, chỉ biết món ăn này là món đặc sản mà bất cứ ai ăn rồi cũng phải ghiền.

Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế, đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Khi ăn, chả được cắt thành từng lát khoảng bằng ngón tay, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng. Nước chấm ăn kèm phải là nước mắm nhĩ hoặc muối tiêu chanh mới hợp “gu”.

Món đặc sản này đem đến sự mềm mại của các loại rau, dai mềm của bánh tráng, dẻo xốp, béo bùi của trứng mực, không lẫn được với bất kỳ món ăn nào. Người dân Đất Mũi thường dùng món ăn này để chiêu đãi khách quý, khách phương xa ghé thăm hoặc dùng để làm quà cho người thân xa quê.

Bồn bồn Cà Mau

Riêng đất Cà Mau, người dân thường tự hào rằng bồn bồn là loại rau sạch nhất, lớn lên từ phù sa nên chẳng có loại hóa chất nào có thể nhiễm vào. Vì vậy khi ăn tươi thì bồn bồn rất ngon, vị ngọt và giòn rụm.

Nếu làm dưa thì dưa bồn bồn cũng được xem là món ăn rất được yêu thích của người dân Cà Mau cũng như khách phương xa. Người Cà Mau thường ăn dưa bồn bồn với các loại cá đồng kho tộ, khi ăn kèm với cơm thì thực khách khó lòng mà “dừng đũa”.

Các loại khô

Khô cá kèo là món ăn đơn giản nhưng khá thú vị, thực khách có thể mua về làm quà hoặc tặng biếu người thân ở xa. Con khô phải có độ mặn vừa phải, nướng lên nghe ngào ngạt mùi thơm, thường ăn với cơm hay cháo trắng đều ngon tuyệt. Ở nhiệt độ thông thường, khô chỉ được bảo quản tối đa khoảng một tháng, khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể giữ được thời gian lâu hơn.

Tôm tích làm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Mũi, một số gia đình đã ép mỏng những con tôm tích đem phơi khô, coi đó là món ngon hảo hạng dùng đãi khách hoặc biếu bạn bè.

Để làm khô tôm tích, người ta đem nó đi bóc vỏ, rửa sạch, tẩm thêm gia vị, ép thành những miếng tròn rồi đem phơi. Giống như khô cá kèo, để khô tôm tích ngon, ngọt và giữ được mùi vị đặc trưng cần phải phơi dưới ánh nắng thật tốt. Khô tôm tích có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon mà đơn giản như luộc, chiên hay nướng.

Tôm khô Rạch Gốc không chỉ có tiếng trong nước mà hiện nay đã được biết đến ở các thị trường thế giới. Để có được sản phẩm mang hương vị đặc trưng của rừng, biển, người dân Cà Mau có những bí quyết riêng khi luộc tôm. Người ta tính bình quân cứ khoảng 7-8 kg tôm nguyên liệu sẽ chế biến được 1 kg tôm khô thành phẩm.

ST.

Về U Minh, không chỉ được hòa mình vào một vùng sông nước thiên nhiên rộng lớn, du khách còn có cơ hội thưởng thức nhiều món ẩm thực lạ miệng và dân dã.

Thật dễ dàng để du khách tìm ra những thực phẩm thiên nhiên nơi đất mũi xa xôi. Những buổi chiều rảnh rỗi, mọi người chỉ cần rủ nhau ra sông hoặc lên rừng, khi về là đã có ngay món cá nướng, ốc luộc hay cháo rùa, chuột quay... Thiên nhiên ưu đãi cho U Minh nguồn sinh vật, thực vật khá lớn. Vì thế, người dân nơi đây đã tận dụng những gì sẵn có để sáng tạo ra các món ăn mang hương vị đặc trưng của vùng đất này.

Nem mắm

Đây là món ăn chế biến từ mắm cá lóc trộn với thịt heo luộc xắt mỏng, đu đủ gần chín, ớt, riềng, thính, đường và muối. Thời gian ủ để nem chua khoảng 3-5 ngày. Nem mắm thường được làm vào các dịp lễ, Tết. Sau này, món nem còn được truyền đến các vùng khác như Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ... Cùng nhiều kỹ thuật chế biến tiên tiến, nem mắm đã trở thành đặc sản ở những vùng đó.



Tả pí lù

Tả pí lù gồm rau sống, bún, cá hoặc thịt heo thái mỏng, thường được ăn vào những ngày mưa lâm râm, gia đình quây quần ấm áp bên nồi nước xương cá hầm bốc khói nghi ngút. 
Tên gọi “tả pí lù” có nguồn gốc từ người Hoa. Đây là món gần giống như lẩu thập cẩm. Thành phần chính là các loại cá thái mỏng nhưng ngon nhất là nấu cùng cá sặc bướm. Cá chỉ lấy phần thịt ở hai bền sườn, đem tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu này sau đó nhúng tái vào nồi nước lẩu nấu bằng xương cá và nước dừa tươi. Dùng bánh tráng để cuốn cá cùng nhiều loại rau sống, đậu phộng rang, cơm dừa nạo, bún chấm với nước mắm trong. Đây là món ăn ưa thích của người dân vùng U Minh vào mùa nước lớn, cá nhiều, mọi người có thời gian nghỉ ngơi, bày biện ăn uống, nhậu nhẹt.


Mắm chuột và khô chuột

Mắm chuột được chế biến giống như làm mắm cá đồng nhưng ngoài muối, thính còn thêm đường. Món này không ăn sống mà phải chưng hoặc chiên lên. Còn khô chuột được tẩm muối và sả băm đem phơi nắng cho thật khô, nhưng cũng chỉ có thể để dành khoảng 10-15 ngày vì dễ bị mốc và hôi do nhiều mỡ. Đây là hai món ăn đặc trưng mà chỉ vùng U Minh mới có.

Bánh xèo U Minh hấp dẫn hơn khi có thêm thịt chuột đồng, bồn bồn. 

Bánh xèo nhân bồn bồn

Bành xèo là món ăn phổ biến ở Nam Bộ, tùy vào cách chế biến mà nó mang những hương vị riêng của từng vùng, miền. Riêng ở U Minh, nhân bánh có thêm bồn bồn chẻ nhỏ, thịt gà (vịt), ếch nhái hay chuột băm. Rau ăn kèm gồm thơm, cải xanh và các loại lá cây khác như ổi, đọt cây sao nhái...
Nhộng ong có thể nấu chè hoặc xào.
Ong mật non nấu chè

Nguyên liệu chính của món này gồm xác ong non, hạt đậu xanh, mộc nhĩ, bột năng và mật ong. Món chè có vị thơm thanh mát của hương bông tràm do ong hút mật, mùi vị khác hẳn so với các loại chè nấu bằng đường mía.


Món ăn chế biến từ tóp mỡ

Mỡ heo sau khi thắng hết, phần còn lại là tóp. Tóp mỡ thường được xào chung với rau, kho thịt hoặc kho khô với nước mắm. Nguyên liệu này còn được người dân U Minh ngào đường, gần như thành một món mứt rất lạ miệng, dùng cùng trà hoặc ăn chơi. Món này rất khó ăn với những ai mới thưởng thức lần đầu bởi cảm giác béo ngầy ngậy và rất ngọt.

ST.

Sở dĩ được gọi là khoai sọ mán bởi nó được trồng bởi người Dao, chỉ tại mảnh đất có người Dao sinh sống thì loại củ này mới ngon. Có lẽ vì vậy mà dù bạn có đi nhiều nơi, nhìn thấy và ăn nhiều loại khoai sọ thì mới thấy được khoai sọ mán Mộc Châu là đặc biệt hơn cả.

Về cơ bản, khoai sọ mán có nguồn gốc, hình thù, màu sắc không giống các loại khoai khác. Theo nhiều người thì dù có ra chợ mua khoai giống về trồng cũng chẳng tạo củ; riêng người Dao ở vùng Mộc Châu mới trồng  được, và chỉ người Dao ở Chiềng Sại, Chiềng Chung… trồng mới cho năng suất cao.

Khoai sọ mán không tròn, chỉ nhỏ như khoai bon, không có màu tím như khoai môn. Loại khoai này được liệt vào loại củ dị dạng bởi nó không có hình thù nào cố định để mà gọi tên. Các mầm củ đẻ ra lộn xộn thành những u, những mấu và to dần lên.
Sau khi gọt vỏ khoai sọ mán thì đem rửa sạch, thái miếng bằng bao diêm rồi bỏ vào trong nồi cơm vừa cạn nước hấp sao cho lúc cơm chín thì khoai cũng chín. Chấm miếng khoai nóng hổi với lạc vừng là đã đủ để cảm nhận vị bùi của miếng khoai vàng ruộm.

Một số người thích ăn chiên như khoai tây chiên thì cũng vẫn được. Tuy nhiên, hấp dẫn nhất vẫn là xào qua khoai với mắm, muối, mì chính cho ngấm gia vị rồi hầm cùng xương. Khi khoai chín thì rắc thêm rau thơm: thì là, mùi tàu, hành và thưởng thức. Nhìn bát khoai sọ óng mỡ màu vàng được điểm thêm mấy cọng rau xanh cũng dư sức để thực khách ngây ngất.
Khi đưa miếng khoai vào miệng, người ăn sẽ cảm thấy vị ngọt của nước hầm xương hòa lẫn vị ngọt bùi của khoai. Từ giống khoai cực bở này, người Dao vùng cao Tây Nguyên đã trồng và tạo ra được một món ăn xếp vào hàng đặc sản rất lạ của vùng.

Khác với các món ăn thường thấy, các món ăn dân tộc ở Sơn La nói chung và của người Khơ Mú nói riêng, hầu hết nguyên liệu được lấy từ cây rừng, ao vườn, ruộng đồng do những bàn tay khéo léo của các bà nội trợ chế biến thành món ăn đặc sản thơm ngon và gợi mời. Trong đó, món canh mọ không thể thiếu vào ngày tết Mạz chiêng.
Canh mọ được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon.
Ngoài ra, người Thái cũng thường làm món Mọ gà, được chế biến từ cổ, cánh, bộ lòng mề gà, băm nhỏ, mắc khén, ớt khô, củ sả giã nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi. Khi chín, vớt ra ta có một món canh đặc sánh, sền sệt, ăn với xôi hoặc cơm lam.
Bên cạnh đó, tô điểm trên mâm cỗ ngày tết của người Khơ mú còn có đầy đủ các món ngon truyền thống như: món A cơ nẹp – món thịt lợn băm nhỏ lẫn gia vị hạt xẻn, gừng, hành, nhiều loại rau thơm, ớt tươi…, gói lá dong, rồi nướng trên than hồng; món a lăm bót – món toàn xương sụn băm nhỏ lẫn với các loại gia vị giống món a cơ nẹp, rồi nhồi vào ống nứa, lam nướng trên than hồng; món Or cun – giống như một món súp, nấu lẫn các loại rau quả bí non, rau bon, ớt non, bì trâu, thịt chim, thịt sóc, cá, thịt nai, gạo tấm, tất cả cho vào ống nứa đem lam chín, sau đó được đem ra ăn với các loại rau thơm, rau cải non và các loại rau sống; món lạ sơ rạ – món rau gai thối được xôi chín ăn với cá nướng.
Đến thăm đồng bào Khơ mú trong ngày tết Mạz chiêng mà không thưởng thức những món ăn độc đáo nơi đây thì chưa hiểu hết tinh người Khơ mú, chưa thấm hết cái độc đáo của ẩm thực nơi đây.
ST.

Từ bao đời nay, Ba Na luôn là tộc người bí ẩn, là chủ nhân của nhiều luật tục lạ lẫm và bí hiểm, cùng đó là những món ẩm thực đặc trưng quen mà lạ, mà khi đụng đũa, thực khách phương xa sẽ ngây ngất, sẽ nhớ mãi không thôi...



Sống giữa núi rừng, người Ba Na ở Kon Tum đã biết tận dụng thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của mình. Nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng được bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây biến thành những món ăn dân giã mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa.

Thức ăn hàng ngày của người Ba Na đơn giản, gần như có gì ăn nấy, thường đạm bạc, chủ yếu là rau xanh, măng, nấm theo mùa; cá, cua, ốc, ếch kiếm được tùy thuộc sự tháo vát, đảm đang của các thành viên mỗi gia đình.

Cháo nấm mối

Đây là món ăn quen thuộc và ưa thích của người Ba Na. Trước kia đồng bào thường nấu cháo bỏ vào trong vỏ bầu khô mang theo mỗi khi đi làm xa. Sau những giờ lao động mệt nhọc, giải lao được thưởng thức món cháo mát lạnh đựng trong bầu, cái nắng, cái gió của cao nguyên như dịu đi phần nào.

Nấm mối thường chỉ mọc vào đầu mùa mưa, trong khi làm nương rẫy, người ta thường bắt gặp những đám nấm mọc rải rác trên rẫy mì, rẫy bắp. Nấm lấy về  rửa sạch, loại bỏ phần gốc rồi xé nhỏ. Khi nấu cháo đồng bào không để nguyên hạt gạo mà dùng cối giã gạo thật mịn rồi mới đem nấu. Nước sôi, bỏ nấm vào nồi nấu trước khoảng dăm phút rồi cho bột gạo vào. Trong khi cho bột vào, một tay rắc nhẹ để bột không bị dính cục, một tay cầm cây đũa bếp quấy thật đều. Người nấu phải quấy đều tay để cháo không bị vón cục. Trước khi bắc xuống, cho vào nồi cháo một chút muối, một chút bột tiêu rừng.

Tôm lam rau dớn

Trong các loại rau rừng, rau dớn được xếp vào hàng đặc sản ở Kon Tum, ai đã nếm thử một lần sẽ nhớ mãi hương vị. Rau dớn sinh sôi phát triển vào mùa mưa. Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, bà con cứ men theo những con sông, khe suối, là có thể hái được rau, có khi bắt gặp cả một thảm rau xanh mượt dưới những tán rừng già rậm rạp, bên những khe suối. Rau dớn có thể chế biến thành nhiều món như luộc, nộm, xào, nấu canh và đặc biệt là món Tôm lam rau dớn.

Tôm để nguyên con rửa sạch cùng với rau dớn. Cho tôm và rau vào ống lồ ô. (Chọn những ống lồ ô “bánh tẻ”, tức là không già quá, cũng không non quá. Nếu ống già khi đốt dễ bị cháy, nếu ống non quá thì lại hay bị óp, nứt). Sau khi bỏ tôm và rau vào ống lồ ô, nêm muối vừa ăn, xóc đều rồi nút lại bằng lá chuối. Đem ống lồ ô nướng trên bếp than, khoảng 15 - 20 phút. Khi nướng thỉnh thoảng xoay tròn ống để tôm và rau chín đều. Đổ món ăn ra đĩa hoặc lá chuối đã chuẩn bị sẵn là có được món tôm lam rau dớn thơm ngon, màu xanh mượt của rau kết hợp với màu vàng tươi của tôm khiến món ăn càng trở nên bắt mắt.

Cá suối nấu măng le 

Những người phụ nữ Ba Na đảm đang, tháo vát. Mùa mưa cũng là lúc những búp măng thi nhau mọc. Măng le không to như măng nứa, măng vầu nhưng ruột đặc, rất giòn và ngọt. Sau mỗi buổi lên nương, trên đường về, những người phụ nữ thường tranh thủ kiếm thêm ít rau, măng cho bữa cơm gia đình. Trong lúc đó người đàn ông cũng tranh thủ quăng chài bắt cá, tôm để nấu với măng. Món Cá suối nấu măng le quen thuộc nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

Măng rửa sạch rồi thái mỏng. Cá rửa sạch, những con to mổ bỏ ruột rồi cứ để nguyên con. Cho măng vào nồi nấu trước, khi măng gần chín thì cho cá vào rồi nêm mắm muối, gia vị. Tiếp tục đun trên bếp khoảng 10 phút cho cá chín và vị ngọt của cá thấm đều vào măng. Để làm tăng thêm hương vị và khử mùi tanh của cá suối cho thêm một ít lá é. Vị ngọt tươi thơm ngon của cá suối cùng với vị giòn sần sật của măng le khiến những ai đã từng một lần thưởng thức  khó có thể quên.

Thịt mùi nấu cà đắng

Để có một món Thịt mùi nấu cà đắng ngon, người ta thường chọn những miếng thịt heo ba chỉ, khi nấu sẽ tạo được độ ngon và béo. Đem gói thịt trong lá chuối rồi để trên gác bếp1 - 2 ngày cho thịt có mùi. Cách chế biến này khiến cho món ăn trở nên độc đáo, có hương vị riêng. Sau đó thịt được cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Cà đắng rửa sạch, bổ đôi, hoặc bổ ba. Cho cà và thịt vào ống lồ ô rồi nêm gia vị vừa ăn, dùng lá cây nút ống lại và đem nướng trên bếp lửa. Khi các nguyên liệu đã chín, dùng đũa bếp xọc thật mạnh để cà và thịt nhuyễn vào nhau, cho thêm lá é, một thứ gia vị quen thuộc và phổ biến của người Ba Na làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn.

Để đổ thức ăn từ trong ống ra cũng phải có "tay nghề". Người ta dùng tay trái nắm vào thân ống lồ ô, dùng tay phải đập nhẹ lên cổ tay trái, cứ như vậy cho đến khi món ăn nằm gọn trên đĩa. Thịt mùi nấu cà đắng là sự kết hợp hài hoà giữa các nguyên liệu và gia vị. Khi ăn vừa cảm nhận được béo ngậy của thịt mùi, vị bùi pha chút đăng đắng của cà cùng mùi thơm rất riêng của lá é. Tất cả hoà quyện vào nhau khiến món ăn ngon khó tả.

Có lên miền sơn cước, có thưởng thức những món ngon của người Ba Na bên bếp lửa đỏ rực, bên những ché rượu cần thơm lựng với những người già và nghe các cụ kể về nguồn gốc của từng món ăn, khi đó ta mới cảm thụ hết tinh hoa ẩm thực cũng như tính cách của tộc người anh em này. Những món ăn của người Ba Na đậm đà, đẫm hương vị núi rừng, đong đầy tình cảm, sự phóng khoáng và chiều sâu tâm hồn, thực sự là tinh túy của đại ngàn, của một thuở hoang sơ đáng để chúng ta khám phá.

ST.

Vào mùa lễ hội, người Ba Na lại được “khoe” những món ăn đặc sản. Nơi mà núi, rừng, sông, suối đã cung cấp cho cư dân Kon Tum biết bao nguồn nguyên liệu phong phú, quý giá, đã góp phần hình thành nên một nền ẩm thực đa dạng, dân dã mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa.

Cá Niêng nướng

Đây là một trong những món ăn khá phổ biến của đồng bào Ba Na. Du khách đến Kon Tum thường thích thưởng thức món cá Niêng nướng. Cá Niêng có nhiều ở sông Đăk Bla và một số sông suối vùng Kon Plông, Kon Prẫy. Đó là những con cá thân dẹt, thuôn dài, màu trắng nhìn gần giống cá diếc nhưng dài, thon và chắc hơn. Cá Niêng thường chỉ ăn rêu, lá cây và các động vật giáp xác, nên chúng rất sạch, cá mổ ra hầu như không có mùi tanh

Cá bắt về đem rửa sạch mổ bỏ ruột (nhiều người lại thích để cả ruột nướng khi ăn có vị đăng đắng hấp dẫn riêng). Với con lớn, trước khi nướng, dùng một que nhỏ dài xiên từ miệng cá qua bụng, xuống đuôi cá để trở lật và khi nướng cá không bị cong. Với cá nhỏ, người ta dùng cặp tre nhỏ kẹp 5 - 7 con sau đó nướng trên than hồng. Trong khi nướng lật đều các mặt để cá chín đều. Cá nướng trên than hồng chuyển dần từ màu trắng sang vàng, dậy mùi thơm hấp dẫn.
Món cá suối nướng được ăn kèm với muối ớt lá é, một thứ gia vị khá quen thuộc của người Ba Na. Vào những ngày tiết trời se lạnh, cùng quây quần bên nhau thưởng thức món cá suối nướng, nhắp một hơi rượu cần, khách cảm nhận hết được cái ấm cúng, nồng nàn của đất và người nơi đây. Vị ngọt thơm của cá suối quyện với vị cay của ớt, cái nồng nàn, quyến rũ của lá é. Tất cả những hương vị ấy kết hợp với nhau một cách hài hòa, khiến người ăn nhớ mãi.

Món nhộng chuồn chuồn

Món ăn quý có thể liệt vào hàng đặc sản, người Ba Na chỉ dành khi tiếp khách.
Để có nguyên liệu chế biến món ăn này, đồng bào vào rừng tìm những cây măng tre hoặc măng lồ ô bị sâu, bóc những lớp vỏ bên ngoài của cây măng để tìm bắt nhộng chuồn chuồn. Loài nhộng này có màu trắng đục, khá to. Để có đủ lượng nhộng cho một lần chế biến, nhiều khi đồng bào phải vào rừng tìm kiếm tới vài ba ngày.

Nhộng bắt về được bỏ vào ống lồ ô, không nêm thêm bất cứ gia vị nào sau đó nút ống lồ ô lại bằng lá cây rồi nướng trên than lửa. Trong khi nướng để ống nằm nghiêng và xoay tròn thân ống để nhộng chín đều. Nướng ống lồ ô khoảng 20 - 30 phút là được. Khi nhộng chín bày ra đĩa có lót sẵn lá chuối tươi. Màu trắng của nhộng, kết hợp với màu tươi xanh của lá chuối làm tăng thêm độ hấp dẫn và ngon mắt cho món ăn.
Đối với những ai chưa từng thưởng thức món này thoạt nhìn có vẻ hơi nghi ngại, nhưng những ai đã từng ăn qua sẽ khó mà quên được hương vị béo ngậy, ngọt thanh đọng lại sau khi ăn. Nhấm một miếng thôi là đã cảm nhận được độ mềm, mát tan nơi đầu lưỡi. Nhộng chuồn chuồn thơm ngon, nhiều đạm, rất bổ dưỡng. Món này ăn nóng hay nguội đều ngon.

Món Gỏi kiến bóp chua

Món Gỏi kiến được dùng nhiều trong các lễ hội như mừng cơm mới (Xa ba nao), lễ Cầu an (Pu Hơ Drih), lễ Mừng nhà rông mới (Et h’took nao). Đây là loài kiến khá to có màu vàng, nhộng màu trắng rất thơm ngon và bổ dưỡng. Đặc trưng của loại kiến này là vị chua, mùi hơi ngai ngái. Kiến này có tất cả các mùa trong năm, nhưng ngon nhất là vào tháng 1 đến tháng 4. Trong khoảng thời gian này kiến đẻ trứng nên có rất nhiều nhộng. Đồng bào vào rừng bẻ cả tổ kiến bỏ vào gùi hoặc rổ mang về. Khi về rũ kiến ra chậu nước, nhộng bỏ riêng ra rổ. Gia vị để chế biến món ăn này có riềng rửa sạch thái lát mỏng, rồi băm hoặc giã nhuyễn.

Kiến và nhộng được đem hấp khoảng 10 phút cho chín. Xúc kiến ra trộn chung với riềng đã giã nhuyễn, sau đó trộn chung với nhộng, nêm muối vừa ăn là có được món gỏi kiến thơm, ngon mang đậm hương vị của núi rừng.
Món kiến bóp chua khi ăn sẽ có vị chua chua của kiến, vị béo ngậy của nhộng và vị cay cay, thơm nồng của riềng. Đồng bào Ba Na thường dùng món này trong những ngày lễ hội và tiếp khách.
Hầu hết các món ăn của cư dân Kon Tum chế biến không cầu kỳ, gia vị khá phong phú như riềng, sả, ớt, tiêu rừng, lá é... Cách làm chín thức ăn thường là hấp, nấu hoặc nướng. Trong đó hình thức sử dụng ống lồ ô để làm chín thức ăn là phổ biến nhất.

ST.

Bữa cơm ngày thường của người Tà Ôi rất đơn giản, có khi chỉ là chén muối giã với vài lá thơm, trái ớt, hay con cá bắt dưới suối nướng vội. Nhưng món cháo để bồi bổ sức khỏe, dành đãi khách quý thì khá cầu kỳ - Cháo Tà lục Tà lạo.


Hồ Thị Mai, Hồ Thị Nhung, hai phụ nữ Tà Ôi tất bật mướt mải làm bếp, giới thiệu với khách phương xa những loại rau củ lạ lẫm.

Mâm cỗ của người Tà Ôi làng Quang Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đầy hương vị núi rừng hoang dã. Thực phẩm lấy ở rừng, gia vị lấy ở rừng. Cách chế biến giản dị, là nướng, tái, luộc... Cá nướng, chuột nướng, nai khô, dế rang, bánh nếp, cơm lam, cháo thập cẩm… mộc mạc, bày trên những tấm lá chuối xanh tươi vừa chặt sau hè.


Lạ lùng ẩm thực vùng cao: Thương nhau về ăn tà lục tà lạo 2
Tà lục tà lạo – món ăn mà con gái Tà Ôi phải biết nấu

Mai và Nhung sốt sắng mời khách một bát cháo sánh màu vàng nhạt, tỏa thứ hương kín đáo của tinh bột quyện trong một tập hợp mùi nhẹ nhàng điềm tĩnh của các loại rau rừng và tiêu dại. Ăn món này cho tỉnh người! – Các cô nói thế. Đó là món ăn đặc biệt để bồi bổ mà người Tà Ôi dành cho những người yếu mệt, để ấm bụng người khỏe trong những đêm sương rừng lạnh, với những gia vị ấm nóng và thực phẩm đa dạng dưỡng chất.

Cháo thập cẩm – tà lục tà lạo – của người Tà Ôi, là món cháo đặc nấu bằng rất nhiều thứ: gạo, sắn, bí đỏ, măng, củ mài… Gia vị là củ kiệu, rau thơm rừng, gừng gió, tiêu rừng, Loại tiêu rừng hạt nhỏ chia nhiều cánh này khác hẳn hạt tiêu thường, với vị cay tê rần, thơm dịu mà bền mùi. Một bát cháo, nêm vài hạt tiêu rừng là đủ dậy mùi dậy vị. Lỡ quá tay là cay cứng lưỡi, thứ cay dai dẳng làm vị giác như bị tê liệt.

Món cháo tà lục tà lạo ấy, vốn là món ăn thường ngày của người Tà Ôi. Người Tà Ôi hay ăn vào buổi chiều. Đó là sự kết hợp giữa những nguyên liệu tinh bột + rau + gia vị ấm nóng để ấm người mà nhẹ bụng. Vậy nên món cháo này được người Tà Ôi đặc biệt dành cho trẻ con, người già.

Khi có khách, hay trong những dịp lễ lạt hội hè cưới hỏi, cháo đặc biệt hơn vì có thêm ống măng để dành, hay treo khô trên giàn bếp. Ăn cùng thịt khô cất đợi, hay cá suối nướng thơm lừng.

Thứ quý giá ngon lành sẽ dành để đãi khách! -Tất nhiên. Đồng bào là như vậy, mến khách. Khi họ về rồi, nhớ tới mình, để ấn tượng về đồng bào là như thế - Mai và Nhung cười giòn.

Hầu hết các món ăn của người Tà Ôi đều được nướng và thui. Thức ăn thì được nêm rất ít muối và ít cay. Gia vị chính là muối và ớt, thỉnh thoảng có thêm tiêu rừng, lá bưởi, ngò ta, lá lốt, lá môn vọt, gừng, riềng...

Người Tà Ôi ở vùng A Lưới có hơn 50 món ăn cơ bản. Trong đó, có 8 món cơm, 6 món bánh, 1 món cháo và khoảng 35 món thức ăn. Món nào dành cho đàn ông, món nào dành cho đàn bà trong lễ hội, món nào dành cho nhà trai hay nhà gái trong đám cưới, món nào dùng cho lễ hội hay ngày thường đều được phân định.

Ba món cơm thông dụng là xôi hông, xôi thui ống  cơm lam

Hai món bánh đặc trưng được người Tà Ôi trân trọng là bánh sừngbánh nếp vừng.

Hầu hết các món ăn ngon của người Tà Ôi đều chỉ dùng trong lễ hội. Dịp này, người đàn ông Tà Ôi trổ tài làm bếp. Hầu hết món luộc chỉ được dùng để cúng bái, như gà luộc, đầu bò, đầu lợn luộc. Phụ nữ Tà Ôi không được phép thưởng thức những món cúng này. Thậm chí, bữa tiệc lễ hội diễn ra tại nhà làng chỉ dành cho chủ làng, già làng, trưởng họ và trai làng, còn phụ nữ và trẻ em phải đưa phần ăn của mình về nhà.

Bữa ăn của lễ hội hay gia đình đều được chia phần cụ thể. Chỉ rượu là uống chung. Ai ăn phần nấy, ăn không hết thì tự gói lại, cất ăn dần. Nếu một làng đông dân thì người ta chia phần ăn cho từng dòng họ, dòng họ chia cho từng gia đình, chủ hộ lại chia cho mọi người trong nhà. Vị trí ăn của mỗi người là chỗ nằm ngủ của chính họ, vì căn nhà không rộng, không có chỗ dành riêng cho việc ăn uống. Khách sẽ được mời ăn ở gian giữa nhà.

ST.

Vượt suối, vượt đèo ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, lên đến Buôn Đôn chúng tôi đã thấm mệt nhưng bù là được đồng bào Êđê thết đãi món đặc biệt nơi đây - gà nướng mang đậm bản sắc Tây Nguyên: Gà Sa lửa.


Tẩm ướp gia v trước khi nướng

Món ăn đơn giản được chế biến từ gà thả vườn, ướp gia vị rồi nướng chín bằng hơi lửa nhưng hương thơm của món ăn cứ lan tỏa mời gọi khiến du khách khó có thể bỏ qua.

Theo nhiều người, món ăn này có xuất phát từ đồng bào dân tộc Êđê ở Buôn Đôn (Đăk Lăk), từ đây, món ăn này lan khắp Tây Nguyên với nhiều phiên bản và cách chế biến khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là nó vẫn giữ được trọn vẹn hương vị thơm ngon đặc trưng của mình.
Để làm món này, nguyên liệu quan trọng nhất là thịt gà. Theo kinh nghiệm của đồng bào, gà phải là loại thả vườn, chủ yếu ăn thức ăn rơi vãi, côn trùng… thì thịt gà mới chắc và có vị ngọt. Gà nướng chỉ nên chọn những con gà tơ trên dưới 1kg. Nếu gà lớn thì cho thịt dai, gà nhỏ quá lại có mùi hôi… nên sẽ không ngon.

Gà sau khi làm sạch được bỏ đầu mổ dọc theo ức rồi bẻ dẹt ra. Nước ướp gà được pha từ hành tím, sả, tỏi giả nhuyễn trộn với ngũ vị hương, mật ong, tiêu, nước mắm, muối và các loại lá rừng… Để thịt gà thấm, trước khi ướp, người dân thường dùng mũi dao đâm thành nhiều lỗ nhỏ trên thân gà. Gà ướp khoảng 30 phút đến một tiếng thì cho vào giữa cây tre non chẻ đôi, kẹp chặt lại và nướng chín trên hơi nóng của lửa.


Gà không đặt trực tiếp trên than, mà luôn giữ khoảng cách, để làm chín bằng hơi nóng. 

Trong quá trình nướng, thịt gà luôn được trở đều để có thể chín vàng, giòn mà không bị cháy. Trong những buổi chiều se lạnh ở núi rừng, được quây quần bên bếp lửa giữa nhà sàn rồi tự tay trở từng con gà đang chín dần thì không còn gì thú vị bằng. 

Một đặc sản khác ăn kèm là cơm lam được đặt ở dưới và nướng luôn cùng gà. Gà nướng chín được xé thành từng phần nhỏ, rồi ăn kèm với muối lá é (một loại lá gia vị có nhiều ở vùng rừng núi Tây Nguyên, được giã nhỏ với muối hột, ớt xanh) cùng những ống cơm lam chín dẻo mềm, thơm ngon.

Gà nướng thường được ăn kèm với cơm lam và muối é. 
Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để du khách mê mẩn. 

Hương vị thơm, ngọt của thịt gà hòa trong cái vị đậm đà, cay cay của muối é khiến du khách mê mẩn khi thưởng thức, để rồi khi xa Tây Nguyên, lại muốn được một lần về mảnh đất này để thưởng thức món gà nướng thơm ngon đầy hấp dẫn này.

Ngoài Poọc cà nhạy, một món dân dã với cái tên theo tiếng Khmer rất độc đáo thì mỗi khi về Trà Vinh các bạn đừng bỏ lỡ những món ăn độc đáo nơi đây, nó là sự kết hợp văn hóa ẩm thực của người Kinh - Khmer – Hoa. 

1. Mắm bò hóc đồng bào Khmer

Mắm bò hóc được làm từ nhiều loại cá nhưng phổ biến nhất là cá lóc, có thể ăn sống hoặc nấu theo phương pháp truyền thống của người Khmer.
Sau khi làm sạch, cá được ngâm nước một đêm cho trương sình rồi mới bỏ đầu, ruột và rửa lại nước muối. Khi xếp vào lọ, thông thường cá được ướp theo công thức một cá, một muối và nửa bát cơm nguội rồi để trong 3 tháng là dùng được.

Trong nhà người Khmer thường dự trữ vài ba lọ mắm cá để ăn và để đãi khách quý tới chơi. Trong món ăn truyền thống Khmer không thể thiếu hương vị đặc trưng của món mắm này. Ăn đơn giản nhất có thể kể tới bát mắm bò hóc thêm đường, tỏi, chanh, ớt ăn cùng cơm trắng và rau củ có sẵn trong vườn như đọt xoài non, khế xanh, chuối chát, đọt cóc, cà rừng…

2. Bún nước lèo

Đây là món bún thịnh hành tại nhiều địa phương phía Nam nhưng nổi tiếng nhất vẫn ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Bún nước lèo là đặc sản của người Khmer với “linh hồn” không thể thiếu là mắm cá hóc. Những con mắm cá được rã đều trong nước, thêm gia vị sả ớt đập dập làm nổi hương vị.

Một số nơi còn dùng cả nước dừa xiêm hoặc cốt dừa vào nồi nước dùng thay thế vị đường. Nước lèo còn cần độ trong và ngọt tự nhiên của tôm thẻ ninh, xương ống hầm nhừ. Bát bún với cá lóc, thịt lợn quay thoảng hương vị đậm của mắm rất đặc trưng khiến ăn một lần nhớ mãi.


3. Dừa sáp

Vùng đất miền Tây trù phú được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật quý. Trong đó, quả dừa sáp chỉ có khu vực Cầu Kè Trà Vinh mới có. Cùng một giống cây nhưng trồng ở đất khác cũng không cho quả sáp theo mong muốn.

Trái dừa sáp với lớp cơm dừa trắng xốp mềm như sáp, tỏa hương thơm dịu ngậy. Đặc biệt, nước dừa sền sệt và đặc như keo nến. Thông thường một cây dừa sáp chỉ cho ra khoảng 25% quả sáp nên loại quả này có thể đắt hơn hàng chục lần dừa thường.
Thưởng thức dừa sáp phải có cách riêng. Cơm dừa sau khi nạo xong cho vào máy xay qua, thêm chút sữa, đá bào đều là có được món sinh tố đúng điệu, giải mọi cơn khát mùa hè nóng nực.

4. Bánh tét Trà Cuôn

Món ăn truyền thống của đất Trà Vinh được nhiều người ưa thích vào dịp lễ tết. Được làm từ những hạt nếp dẻo có trộn cùng nước lá bồ ngót tạo màu xanh bắt mắt, bánh có nhân thịt mỡ, đậu xanh và trứng vịt muối đỏ.

Sau khi luộc 8-9 tiếng sẽ cho ra lò mẻ bánh vừa chín tới, dẻo thơm mùi nếp. Có dịp đến Trà Vinh, du khách thường ghé mua thêm đòn bánh tét làm quà biếu người thân.


5. Chù ụ rang me

Chù ụ là loại sinh vật có tên nghe lạ kỳ, sinh sống ở vùng biển bãi bồi thuộc biển Ba Động, Trà Vinh. Dáng dấp của chù ụ nom khá giống cua đồng. Món chù ụ rang me chua ngọt từ lâu đã hấp dẫn du khách tới Ba Động, nơi có nhiều động cát đẹp.

Chù ụ sau khi làm sạch sẽ đảo qua dầu tỏi dậy mùi thơm. Nước cốt me hòa sẵn nêm nếm vừa miệng được đảo cùng. Chỉ sau chừng 15 phút, thực khách sẽ có được một món hải sản tươi ngon với hương thơm ngào ngạt. Thịt chù ụ chắc ngấm đều nước cốt, rất thích hợp với dân nhậu vừa ngắm biển vừa nhâm nhi.

6. Cháo ám

Để có nồi cháo ám ngon, người nấu cần khá nhiều công sức. Cá lóc phải tươi, mập đem luộc và gỡ từng miếng, bỏ xương rồi xào với hành thơm nức mũi. Trứng cá lóc đánh nhuyễn rồi mới cho vào nồi cháo nấu từ nước luộc cá. Trong món cháo ám còn có cả hành khô, tôm khô, mực khô nướng.

Cháo ám không thể thiếu sự kết hợp giữa mắm nêm ngon đã được pha, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi, cho thêm tiêu xay, đậu phộng rang giã nhỏ. Đặc biệt, các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn ở trên cũng là phụ liệu cần thiết cho món ăn.
Mùi thơm quyến rũ của tiêu, hành, đậu phộng với cái ngọt thanh của nước, mềm béo trong cá, trứng cá, bùi bùi của mực và tôm kết hợp vị đặm nồng của mắm nêm pha và sự khác biệt khi ăn cùng rau thơm, rau sống thái nhỏ biến cháo ám thành một trong những loại cháo ngon nhất, khác biệt nhất nên thử một lần trong đời.

7. Bánh canh Bến Có

Lần đầu ăn đặc sản này nhiều người sẽ thắc mắc “sao cho nhiều thịt thế”. Đây chính là điểm đặc biệt của bánh canh Bến Có, tỷ lệ thịt và bánh phải gần bằng nhau. Nhưng nó không khiến người ăn bị ngán bởi ngoài thịt heo, còn có cật, gan, phèo, tim, bao tử, lưỡi, móng, tai heo… Mỗi loại đều mang vị ngon riêng và tạo sự hòa hợp chung trong món ăn.

Tô bánh canh Bến Có không quá cầu kỳ nhưng nước dùng ninh từ thịt, xương heo và đảm bảo độ trong nên nhìn rõ từng sợi bánh canh trắng nõn, hành hò xanh mướt, tiêu hạt nhuyễn rắc phía trên với vài lát ớt tô điểm cho món ăn đẹp giản dị.
Gắp bánh canh, húp miếng nước dùng là nghe bụng dạ xốn xang. Chọn lát thịt mỏng chấm vào chén mắm dằm ớt rồi từ từ tận hưởng vị mắm cá nguyên chất hòa với thịt mềm lại càng đê mê hơn.

8. Bún suông

Bún suông đặc biệt nhờ chả tôm thơm ngon. Làm từ tôm tươi ướp mắm, xay nhuyễn cùng hạt tiêu, chả tôm không được nặn theo hình vuông, chữ nhật hay tròn mà được làm thành từng “suông”. Suông nhìn qua giống như con đuông, có thể để không thả vào nồi nước dùng đang sôi hoặc chiên với dầu ăn trước khi dọn ra tô.

Nước lèo của món bún này cũng khác biệt, không trong mà có màu nâu của me và tương hạt. Bún suông nhìn vừa đẹp mắt, ăn lại ngon chẳng kém bất cứ loại bún ở địa phương nào. Vị nước dùng đậm đà, chua chua ngọt ngọt dậy mùi tương lan trên đầu lưỡi, vướng vít quanh khứu giác. Khi ấy, cắn thêm miếng suông ngọt tôm và thơm béo sẽ nhận ra ngũ vị đã được đánh thức như thế nào chỉ vì một món ăn ngon.

ST.
Distributed By My Blogger Themes | Designed By Bloggertheme9